BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM
2025-04-29 15:44:00.0
Trong các dịp lễ, tết, nhất là vào kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho các bạn học sinh đi nghỉ mát, tắm biển. Khắp nơi trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn.
Đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ 30 tháng tư, mồng 1 tháng 5 dài ngày tới đây, rất nhiều gia đình cho con cái đi du lịch, đi chơi, tắm biển, tắm suối. Mọi người cần lưu ý khi đi chơi tại những điểm du lịch tự phát. Vào dịp lễ này, tại các điểm du lịch tự phát du khách đến rất đông, trong khi hầu hết các hộ dân tự đứng ra khai thác loại hình du lịch này bằng cách dựng lán, cung cấp thực phẩm… nhưng lại không có nhiều kiến thức, kỹ năng cảnh báo hay xử lý các tình huống rủi ro xảy ra.
Tại các điểm du lịch tự phát này sẽ không có người làm công tác cứu hộ hay cung cấp trang thiết bị (áo phao, phao bơi…) đảm bảo an toàn khi tắm; không cắm các biển cảnh báo cho du khách; chưa có lực lượng giám sát để nhắc nhở du khách. Vì thế mỗi cá nhân và gia đình cần nắm bắt được những kiến thức cơ bản về phòng chống đuối nước cho trẻ em để kịp thời xử lý khi có tình huống không may xảy ra.
Để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người và các em học sinh cần chú ý những điều sau đây:
1. Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và khi đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
2. Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu,...
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
3. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động thương binh và xã hội) cũng đưa ra 8 khuyến cáo để các bậc phụ huynh và các bạn phòng tránh đuối nước cho con em mình, cho các bạn như sau:
- Không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
- Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ cần làm cửa chắn và rào quanh nhà.
- Nên nhắc cha mẹ lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng.
- Nhắc cha mẹ làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại.
- Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
- Nên nhắc người lớn dạy bơi cho các em.
Có thể thấy, bên cạnh kế hoạch cũng như sự chuẩn bị của các khu du lịch, vui chơi, giải trí trong công tác đảm bảo an toàn cứu nạn, cứu hộ và phòng chống đuối nước, thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện những quy định vui chơi an toàn.
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, cần tự trang bị cho các em những kỹ năng phòng chống đuối nước cơ bản và nên nghe theo hướng dẫn của lực lượng có liên quan để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc và giúp mọi người có được những khoảng thời gian vui chơi an toàn, lành mạnh.
Trên đây là những điều chúng ta nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, kính mong quý thầy cô và các em học sinh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình.